Mỗi đất nước đều có những quy tắc ứng xử nơi công cộng nhất định, qua đó thể hiện sự văn minh và ý thức tiến bộ. Nếu đến Nhật, bạn cần lưu ý và tuân theo một số quy tắc văn hóa ứng xử công cộng như sau:
1. Khi đi thang cuốn
Ở Nhật, thang cuốn được chia thành 2 bên, một bên được đứng yên, một bên phải di chuyển lên/xuống như đi thang bộ bình thường. Đơn giản nhất là cứ nhìn và làm theo người đi phía trước mình. Bạn nhớ là không bao giờ được đứng dàn ngang cả 2 hàng trên thang cuốn. Điều này được áp dụng ở tất cả mọi nơi, từ nhà ga, bến tàu, đến các khu mua sắm, tham quan… Ngoài ra, cũng không nên đứng tụ tập, họp nhóm ở hai đầu thang cuốn, gây tắc nghẽn lối lên xuống của những người xung quanh. Cuối cùng, đừng quên xếp hàng để lên thang cuốn.
2. Khi đi thang máy
Hầu hết thang máy ở các sân bay, ga tàu…chỉ để phục vụ cho người già, trẻ em, người có nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh, hoặc khó khăn trong việc đi lại. Nếu bạn không nằm trong nhóm này thì nên sử dụng thang bộ hoặc thang cuốn. Một số nơi có loại thang máy dành riêng cho người đi xe lăn hoặc xe đẩy em bé. Bạn cần lưu ý xem kỹ biển hiệu trước khi vào thang máy, không sử dụng loại thang máy này nếu bạn không thuộc nhóm đối tượng trên. Khi chờ thang máy, bạn cần xếp hàng theo thứ tự, đứng dạt về hai bên để chừa lối ra cho người từ trong thang máy đi ra. Sau đó, bạn chờ cho những người trong thang máy ra hết hẳn mới bắt đầu bước vào, tuyệt đối không vì vội mà chen lấn.
3. Khi đi tàu
Văn hóa tàu điện có thể sẽ khiến bạn hơi lạ lẫm nhưng bạn cần tuân thủ để mọi việc suôn sẻ. Thứ nhất, cần xếp hàng khi lên tàu, đứng tránh ra hai bên và nhường cho người trên tàu xuống hết mới bắt đầu bước lên tàu. Thứ hai, bạn không được phép ngồi vào khu vực ghế ưu tiên (người già, phụ nữ mang thai, người khuyết tật, trẻ em) nếu không thuộc đối tượng ưu tiên. Khi lên tàu bạn cũng hạn chế nói chuyện điện thoại và cũng không nói chuyện to tiếng bởi làm phiền đến người khác. Một điểm lưu ý nữa là không nên ăn uống trên tàu, trường hợp đói quá thì có thể ăn đồ ăn gọn nhe, không làm vương vãi, mất vệ sinh.
4. Khi đi siêu thị
Bạn không cần gửi túi xách trước khi vào và lựa chọn những thứ mình thích trước khi trả tiền. Tuy nhiên, một khi đã đến quầy tính tiền rồi thì tránh lưỡng lự, bàn bạc xem có nên mua cái này cái kia không. Điều này sẽ gây phiền toái cho người tính tiền và cả những người mua hàng khác. Đối với người Nhật, gây phiền toái cho những người xung quanh có thể xem là tối kỵ, rất mất lịch sự. Do vậy, hãy cân nhắc và quyết định xong xuôi hết rồi hãy đến quầy tính tiền và đừng quên xếp hàng khi thanh toán.
5. Ở nhà hàng, quán ăn
Đa số các quán ăn, nhà hàng đều nhỏ hẹp. Ngoài ra, chi phí nhân công lại đắt đỏ nên ở nhiều nơi, người ta chỉ đặt máy bán vé suất ăn trước cửa tiệm, chứ không phải vào ngồi xong mới gọi món. Nếu bạn đến những nơi như vầy, bạn cần xem menu trên máy, bỏ tiền vào mua phiếu ăn, sau đó đem phiếu vào giao cho nhân viên để họ chuẩn bị món ăn đó cho bạn. Ở một số nơi khác, bạn tự lấy đồ ăn, sau đó ra quầy tính tiền xong rồi mới đưa ra bàn ngồi ăn. Ở những nơi như vầy, bạn lưu ý phải suy nghĩ chọn món xong mới xếp hàng vào lấy món ăn. Tránh việc đứng quá lâu trước quầy đồ ăn suy nghĩ xem ăn món gì. Ở nhiều nơi, chẳng hạn như các tiệm ăn nhanh, tiệm cafe, sau khi ăn xong bạn phải tự dọn bàn ăn sạch sẽ, đem khay ăn trả lại cho nhà hàng. Khi trả tiền thì ở hầu hết các nhà hàng, bạn phải đem hóa đơn đến quầy thu ngân để thanh toán (thường nằm ở cửa ra vào). Bạn chỉ phải trả đúng với số tiền trên hóa đơn, không phải trả thêm tiền tip gì vì ở Nhật không có văn hóa này.
6. Việc xử lý rác
Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi thấy rất ít thùng rác công cộng ở Nhật Bản tuy nhiên đường phố luôn sạch sẽ và ngăn nắp. Điều này có liên quan đến một thói quen của người Nhật là luôn đem theo một túi nilon nhỏ để đựng rác. Khi vứt rác, bạn cần lưu ý xem các biểu tượng trên thùng rác để vứt rác đúng quy định phân loại (rác cháy được, rác không cháy được, rác ngoại cỡ và loại cuối cùng bao gồm các chai lọ thủy tinh, vỏ lon).