Hizashi nhận được rất nhiều câu hỏi của các bạn về việc các bạn nên mang những giấy tờ tùy thân nào khi qua Nhật học cũng như khi xuống sân bay thủ tục giấy tờ có khó khăn phức tạp không.
Bài viết này sẽ đi vào giải quyết về vấn đề những giấy tờ gì cần mang theo khi sang Nhật, những điều đầu tiên cần chú ý khi xuống đến sân bay và việc cần làm trong những ngày đầu tiên ở Nhật.
Trước ngày bay, bạn nên chuẩn bị sẵn sàng hộ chiếu, giấy tư cách lưu trú (COE) bản gốc, giấy mời nhập học của trường, mẫu đơn xin giấy phép làm thêm và khai sẵn. Bạn có thể hỏi chính trung tâm du học của bạn xin mẫu khai đó hoặc có một số trung tâm du học tại Hà Nội có sẵn bản mẫu này miễn phí, bạn có thể qua xin và hỏi cách điền thông tin luôn.
Bạn nên có mặt tại sân bay trước giờ bay khoảng 3 tiếng, lưu ý nên xem kỹ giờ bay trên vé. Với các chuyến bay đến Narita, nếu giờ bay ghi là 0h ngày 29/3, có nghĩa bạn sẽ phải ra sân bay từ đêm ngày 28 nhé.
Nếu bạn không ra đúng ngày giờ bay, có thể vé của bạn sẽ bị hủy hoàn toàn với trường hợp vé rẻ, còn nếu vé thường, bạn có thể đổi được nhưng mất thêm có khi đến vài triệu để đổi vé.
Khi lên máy bay bạn sẽ được phát ED-Card, bạn nhớ điền đầy đủ thông tin vào đây nhé. Tờ giấy này sẽ nộp khi nhập cảnh vào Nhật.
Khi nhập cảnh vào Nhật, các bạn sẽ cần phải nộp những giấy tờ sau: Hộ chiếu, COE, giấy phép làm thêm, ED-Card. Bạn phải cực kỳ ghi nhớ việc nộp giấy phép làm thêm để được đóng dấu cho phép làm thêm sau thẻ ngoại kiều bởi nếu sau này không có dấu đó, bạn sẽ không thể đi làm thêm ngay được và việc đi lại để xin phép làm thêm mất rất nhiều thời gian, tiền bạc.
Đã sang đến Nhật, gia đình các bạn tại Việt Nam hẳn đang rất mong tin từ bạn. Bạn dùng chiếc điện thoại mang theo để kết nối wifi liên lạc với người ở Việt Nam. Ví dụ như một điểm đến rất phổ biến với du học sinh Việt Nam, đó chính là sân bay Narita.
Bạn kết nối với wifi miễn phí ở sân bay theo cách sau: mở cài đặt, chọn mạng wifi có tên FreeWIFI NARITA; mở trình duyệt web, chọn CONNECT TO THE INTERNET; ấn chọn I AGREE 2 lần (nút màu vàng).
Đa phần các bạn du học sinh Việt Nam sang Nhật theo công ty, vì thế nên khi sang Nhật các bạn cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ công ty trong việc hướng dẫn mua vé đi tàu, hướng dẫn đi từ ký túc xá đến trường.Với cá nhân người viết bài, mình từng hướng dẫn cho rất nhiều các bạn kỹ sư Việt Nam qua Nhật làm việc đi lại bằng tàu điện với trang web www.hyperdia.com. Ngoài ra, sử dụng thêm Google Maps cũng rất tiện lợi, những bạn du học sinh nào mới qua có thể sử dụng trang web và ứng dụng trên.
Cũng trong những ngày đầu, bạn nên đi làm con dấu cá nhân, đi đăng ký điện thoại và đi đăng ký thẻ ngân hàng. Con dấu cá nhân có thể làm qua công ty du học đã đưa bạn đi từ khi còn ở Việt Nam, bạn nên bảo quản cẩn thận con dấu đó để sau này thuận tiện cho các giao dịch khác trên đất Nhật.
Bạn sẽ rất cần đăng ký thẻ ngân hàng ở Nhật bởi tất cả các giao dịch như nhận lương, nhận học bổng, thanh toán tiền điện, nước, điện thoại, tiền nhà đều phải thực hiện qua ngân hàng. Khi bạn đi đăng ký dịch vụ điện thoại hay đi thuê nhà, họ sẽ yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng.
Ai cũng biết ở Nhật có rất nhiều ngân hàng lớn, uy tín, nhưng mở tài khoản ở ngân hàng nào sẽ phù hợp nhất với du học sinh. Có nhiều ngân hàng lớn của Nhật như Mizuho, MUFG, Sumitomo Mitsui có những yêu cầu khắt khe mà du học sinh Việt Nam không thể đáp ứng được để mở tài khoản tại đây, vì vậy cũng không nên cố mà mất thời gian.
Ngân hàng Bưu điện Yucho Ginko có thể coi như một trong những lựa chọn tốt nhất cho du học sinh. Ngân hàng này không yêu cầu phải ở Nhật bao nhiêu lâu, cũng không yêu cầu số dư tối thiểu, không mất phí duy trì tài khoản, không mất phí rút tiền nếu rút tại ATM của ngân hàng này…Và đặc biệt mạng lưới giao dịch của ngân hàng nảy rất lớn tại cả thành thị lẫn nông thôn, ở bất kỳ nơi nào có bưu điện bạn đều có thể giao dịch được.
Để thực sự thuận tiện cho cuộc sống ở Nhật, sau khoảng thời gian đầu, bạn cũng sẽ cần đến điện thoại. Đăng ký điện thoại ở Nhật khá phức tạp, một giao dịch đăng ký được số điện thoại và nói qua nói lại cần đến tiếng Nhật khá tốt cũng như thời gian lâu. Chính vì thế nên mới nảy sinh ra tình trạng nhiều bạn bị sempai (đàn anh) lừa trong việc này.
Hình thức lừa phổ biến như sau: sempai dẫn bạn đi đăng ký điện thoại, nhưng lại đăng ký nhiều điện thoại tại nhiều hãng khác nhau, chỉ đưa cho bạn một chiếc duy nhất nhưng bạn vẫn phải thanh toán tiền hàng tháng cho những chiếc điện thoại kia. Vì vậy, có nhiều bạn dùng điện thoại vài tháng trời mới biết mình đang phải trả mỗi tháng hơn 1 man, gần 2 man cho những điện thoại mà bạn không hề sở hữu.
Chính vì vậy, khi chọn người đi đăng ký điện thoại cùng với mình, bạn cần phải chọn người thật đáng tin tưởng và trước khi ký, bạn nên biết mình đang ký vào cái gì đồng thời theo dõi chặt chẽ số tiền họ trừ trong tài khoản của bạn mỗi tháng để biết mình đang bị trừ bao nhiêu tiền. Nếu thấy bất thường, bạn cần đi hỏi ngay xem mình đang bị trừ vì những khoản gì để có thể ứng phó kịp thời nhất.
Nguồn :báo nhật